Tin tức

Nhật ký từ "tâm dịch" ngày 11/8: Đà Nẵng trình Thủ tướng thành lập Bệnh viện dã chiến

Trên cơ sở khảo sát và ý kiến của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đề nghị thành lập ngay Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, địa chỉ số 3 đường Phan Đăng Lưu,  phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Bệnh viện dã chiến được đề xuất thành lập với quy mô 500 giường bệnh.

 

Việc sớm thành lập Bệnh viện dã chiến nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố trong những ngày tới, giảm quá tải cho Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi và các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bệnh viện được đề xuất thành lập với quy mô 500 giường bệnh, chia thành hai giai đoạn thu dung điều trị, gồm: giai đoạn 1 triển khai 300 giường điều trị bệnh nhân COVID-19; giai đoạn 2 triển khai 200 giường điều trị bệnh nhân COVID-19. Đối tượng thu dung điều trị là ca bệnh xác định mắc COVID-19 (ca dương tính), và ca bệnh gồm người lớn (không bao gồm phụ nữ có thai), trẻ em.

Được biết, cung thể thao Tiên Sơn rộng hơn 94.000 m2, được xây dựng theo thiết kế mô hình một chiếc đĩa bay đáp xuống mặt đất. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật… lớn của Đà Nẵng.

Anh Văn (từ Đà Nẵng)

Đà Nẵng yêu cầu chia tần suất đi chợ cho người dân

Ngày 11/8, Sở Công thương TP Đà Nẵng có văn bản gửi UBND các quận huyện và Công ty Quản lý & phát triển các chợ Đà Nẵng, đề nghị khẩn trương thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân.

Cụ thể, quy định mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày được cử người đi chợ một lần. Mỗi hộ sẽ được phát 5 thẻ vào chợ, tương ứng 15 ngày, bao gồm ngày chẵn và ngày lẻ. Mỗi thẻ vào chợ có giá trị sử dụng một lần tại bất kỳ chợ nào trên địa bàn TP. Các thẻ màu hồng cho ngày chẵn và màu xanh da trời cho ngày lẻ sẽ được gửi cho các hộ gia đình thông qua tổ dân phố.

Người dân Đà Nẵng sẽ được cấp thẻ để đi chợ

 

Ban Quản lý chợ các quận huyện có trách nhiệm thu lại thẻ người dân vào chợ và lưu giữ theo ngày để phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Việc phân chia tần suất đi chợ áp dụng từ 12-8 cho đến khi có chủ trương mới của lãnh đạo TP. Đồng thời, tăng cường lực lượng bố trí chốt kiểm soát tại các chợ. Trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt các lối vào chợ.

Yêu cầu tiểu thương hướng dẫn người mua giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, đeo khẩu trang suốt thời gian họp chợ. Không cho vào chợ các tiểu thương, người dân không đeo khẩu trang, không rửa tay bằng nước sát khuẩn.

Anh Văn (từ Đà Nẵng)

* Người mệt nhưng tinh thần không mệt, chỉ mong chiến tuyến ấy bình an

Vừa tròn 10 ngày Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận Quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 giao nhiệm vụ cho Bệnh viện tiếp nhận điều trị người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và cũng tròn 1 tuần Bệnh viện trưng dụng hoàn toàn để thực hiện điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

“Tầng 3 cần bổ sung thêm bô cho bệnh nhân, nhờ Ban hậu cần bổ sung giấy và khăn lau tay cho tầng 5, khu cấp cứu cần thêm quạt, khu lầu 7 cần nhận nhu yếu phẩm...” là những câu quen thuộc mà mấy ngày nay đội hậu cần chúng tôi tiếp nhận từ khu cách ly gửi ra.

Gấp gáp, hối hả là những từ diễn tả về chúng tôi trong những ngày này. Tất cả mọi công việc, mọi yêu cầu từ khu cách ly được giải quyết một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Vì chúng tôi ý thức được rằng nếu làm không tốt nhiệm vụ vòng ngoài, chỉ cần chậm một chút, sơ sẩy một chút thôi cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc và điều trị của đội ngũ y bác sĩ, đồng nghiệp ở vòng trong.

Nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phun khử khuẩn sau khi vận chuyển bệnh nhân.

Ban hậu cần có sự tham gia của nhiều khoa/phòng nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác điều trị cũng như sự an toàn, sức khỏe cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân trong khu cách ly gồm Vật tư y tế, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dược, Hành chính quản trị, Tài chính kế toán, Công tác xã hội, Tổ chức cán bộ, Dinh dưỡng... cùng sự tham gia của nhiều bộ phận khác.

Bộ phận hậu cần đa phần là nữ, những con người nhỏ bé ấy ngày thường cứ nghĩ chân yếu tay mềm, chỉ biết đỏng đảnh váy áo nhưng khi bước vào cuộc chiến thực sự thì như biến thành một con người hoàn toàn khác. Họ chẳng khác gì những chú ong chăm chỉ, làm việc quên giờ ăn, giờ nghỉ, mặt ai cũng hừng hực đỏ thấy mà thương, những giọt mồ hôi lăn dài trên má cũng chẳng kịp lau. À, mà thực ra là không thể lau vì để đảm bảo an toàn cho bản thân hoặc họ chẳng còn bận tâm đến vấn đề đó nữa.

Bếp dinh dưỡng chuẩn bị suất ăn.

Những ngày này, đối với anh/chị/em Ban hậu cần việc ăn sáng thành ăn trưa, ăn trưa thành ăn xế là chuyện thường, có hôm về tới nhà còn không thể nuốt nổi cơm. Nhưng ai cũng hừng hực khí thế bởi lúc này không cho phép họ yếu ớt, mệt mỏi. Tất cả lao vào công việc, nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp chẳng khác gì các đồng nghiệp vòng trong. Dù mệt đến đâu nhưng khi nghe những câu như “Đã có, Đã chuẩn bị xong, Đã sẵn sàng, Đã nhận được” tự dưng thấy lòng an tâm và ấm đến lạ.

Trời đã nhá nhem tối, lại có tiếng ting ting từ vòng trong gửi ra “Chú ơi, tầng 3 bóng điện bị hư cần sửa gấp để chăm sóc bệnh nhân”. Biết anh, chị, em cần gấp mà bộ phận điện nước đang bận ở một khu khác, ngay lập tức 2 thành viên xung phong vào khu đỏ để sửa điện và đằng sau lớp bảo hộ với 2 bóng tuýp trên tay không ai khác chính là bác Phó Giám đốc Bệnh viện. Cổ bỗng thấy nghẹn lại và sống mũi cay cay. Lúc này đây địa vị, tuổi tác, nhiệm vụ không còn quan trọng bằng việc đảm bảo an toàn cho công tác điều trị bên trong.

Phó Giám đốc BV chuẩn bị sẵn sàng để sửa điện cho khu điều trị.

Để đảm bảo công tác điều trị các Bác chỉ đạo “chúng ta sẽ không có ngày nghỉ, thứ 7, chủ nhật vẫn đi làm như ngày thường”. Không còn cảm giác hoang mang, ngỡ ngàng, không có một lời nào than thở hay một lời trách móc thay vào đó là sự quyết tâm, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách để chiến thắng đại dịch này.